Thiết lập ban đầu của một bể thủy sinh sẽ thay đổi theo thời gian vì sự phát triển của cây hoặc do các loài rêu, tảo hại xâm lấn. Để duy trì vẻ đẹp tự nhiên của bể thủy sinh, chúng ta cần quan tâm, chăm sóc và bảo dưỡng đúng cách.
Đối với bể mới setup
Trong khoảng 1 tháng đầu tiên sau khi lắp đặt, là thời gian khó khăn nhất cho người chơi vì: môi trường nước trong bể chưa ổn định. Cây, cá và các sinh vật thủy sinh khác chưa thích nghi với nước mới. Dinh dưỡng trong bể chưa cân bằng…
Đây là giai đoạn rêu, tảo hại rất dễ bùng phát, cây, cá có thể chết nhiều và làm nản lòng người mới chơi bể cá. Tuy nhiên, những bất lợi đó hoàn toàn có thể giải quyết theo một số cách sau đây:
- Máy lọc phải hoạt động 24/24 giờ để loại bỏ cặn bẩn và giúp vi sinh phát triển làm nền tảng cho quá trình lọc nước sau này. Bên cạnh đó, dòng nước được tạo ra nhờ máy lọc còn giúp cho một số cây thủy sinh ưa dòng chảy sẽ phát triển tốt.
- Ánh sáng: Tổng thời gian cung cấp ánh sáng cho bể thủy sinh không nên vượt quá 12 giờ/ ngày (tối thiểu 8 giờ/ngày). Tuần đầu tiên nên giảm ánh sáng còn 50% tổng công suất chiếu sáng của cả bể. Sang tuần thứ 2, tăng dần cường độ chiếu sáng. Việc làm này giúp cho cây thủy sinh thích nghi dần với môi trường bể mới và dễ dàng bám rễ vào nền bể. Chỉ khi cây đã mọc rễ thì mới đủ điều kiện để phát triển. Bên cạnh đó, bể mới thường có dinh dưỡng dư thừa, nếu chiếu sáng mạnh thì rêu hại sẽ phát triển quá mức làm bể thủy sinh nhanh chóng xuống cấp.
- Thay nước: Việc này giúp chúng ta loại bỏ bớt dinh dưỡng dư thừa trong bể mới và làm cho nước trong sạch hơn.
Đối với bể đang hoạt động ổn định
- Ánh sáng: Nên chia thời gian chiếu sáng thành 2 giai đoạn trong ngày (nhưng vẫn đảm bảo tổng thời gian chiếu sáng) nhằm ngăn ngừa tảo hại phát triển. Để thực hiện điều này, chúng ta nên sử dụng ổ cắm hẹn giờ cho hệ thống chiếu sáng của bể cá.
- Dinh dưỡng: Bể đang hoạt động ổn định không có nghĩa là chúng ta không cần bổ sung dinh dưỡng cho cây thủy sinh. Để cây căng đẹp và ít bị bệnh, người chơi nên thường xuyên theo dõi nhằm phát hiện những dấu hiệu thiếu dưỡng chất của cây để bổ sung cho hợp lý.
- Việc thay nước cũng nên được tiến hành đều đặn để đảm bảo nước luôn trong sạch. Mỗi lần thay nước không nên vượt quá 50% tổng nước trong bể không làm xáo trộn môi trường sinh thái bể cá.
- Cắt tỉa cây: Khi cây thủy sinh đã phát triển ổn định thì việc cắt tỉa giúp cho cây có hình dáng bắt mắt hơn và cây sẽ phát huy hết vẻ đẹp của nó.
- Cho cá ăn cần chú ý không cho ăn quá nhiều, tránh làm dư thừa thức ăn trong bể. Thức ăn của cá thủy sinh thường là thức ăn công nghiệp có chứa nhiều chất đạm, khi phân hủy trong bể thì rất dễ gây ô nhiễm môi trường nước, làm đục nước và gây bệnh cho cá. Đối với cá nuôi trong bể thủy sinh, chỉ cần cho ăn 1 – 2 ngày/lần. Nếu có thức ăn thừa trong bể cần được vớt ra ngay.